ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HOÁ QUỐC GIA ĐẾN KINH DOANH TRONG DOANH NGHIỆP FDI CỦA HÀN QUỐC

Ngày 17/04/2022, trong khuôn khổ môn học International Macroeconomics, các học viên lớp thạc sĩ Khóa K.12 của chương trình liên kết MBA Andrews của Đại học Andrews (Andrews University) có cơ hội tham gia buổi thỉnh giảng của Thạc sĩ Lê Quốc Thái, Giám đốc Thương mại Tập đoàn L’Oreal Vietnam, Giảng viên Đại học RMIT Vietnam, Ths Thái cũng là cựu học viên Khóa 9 của chương trình MBA Andrews, về chủ đề ảnh hưởng của văn hóa quốc gia đến văn hóa kinh doanh trong các doanh nghiệp FDI.

Ths.Lê Quốc Thái từng có kinh nghiệm làm việc tại nhiều tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Masan, P&G, Johnson& Johnson, Maersk Line, L’Oreal… và đang làm tư vấn cho các doanh nghiệp, quỹ đầu tư theo mô hình của P&G và Samsung. Với kinh nghiệm làm việc lâu năm trong các doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài tại Việt Nam, ông mang đến cho buổi thỉnh giảng những bài học lý thuyết và trải nghiệm thực tiễn nhằm giúp các học viên khóa K.12 có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về tầm ảnh hưởng của đặc trưng văn hóa từng quốc gia đến doanh nghiệp, cụ thể là đất nước Hàn Quốc.

Vào khoảng những năm 1945, Hàn Quốc là đất nước có nền văn hóa và bối cảnh lịch sử giống với Việt Nam đến 90%, được đánh giá là đói nghèo, không có tương lai… Nhưng chỉ sau khoảng 60 năm sau, Hàn Quốc đã trở thành nền kinh tế đứng thứ 12 thế giới. (theo báo cáo của OECD, 2019)

Nguyên nhân tạo nên kỳ tích này ngoài đường lối lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ Hàn Quốc trong từng thời kỳ, còn có thể kể đến tính cách đặc trưng của người Hàn Quốc: đó chính là kiên trì bám trụ mục tiêu, sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân vì mục tiêu chung của tập thể. Dẫn đến văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc vận hành theo cơ chế quản lý con người theo chiều dọc của quân đội: Thượng mệnh hạ phục, kỷ luật kỷ cương nghiêm ngặt, đòi hỏi người lao động phải luôn nhiệt huyết với công việc, và không ngại sử dụng biện pháp trừng phạt đối với những sai phạm của nhân viên.

Vào cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1999, các doanh nghiệp Hàn Quốc thẳng tay cắt giảm lao động, thu nhỏ quy mô công ty, các tập đoàn tái cấu trúc, sát nhập… để trở thành tập đoàn lớn hơn đủ nguồn lực để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Năm 2009, dịch cúm lợn tại Mexico đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên toàn thế giới. Trong khi các tập đoàn của các quốc gia khác đóng cửa, rút nhân sự ra khỏi Mexico để bảo toàn tính mạng của nhân viên thì các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn bám trụ, người lao động Hàn Quốc vẫn kiên cường đeo khẩu trang và làm việc như ngày thường để giành thị phần của những công ty đã rút khỏi Mexico.

“Biến khủng hoảng thành cơ hội là mấu chốt của sự phát triển kinh tế Hàn Quốc” – Ths. Lê Quốc Thái nhận xét.

Nhiều khi điều này khiến cho người ngoài nhìn vào và nhận thấy Doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc hành xử thiếu nhân văn. Nhưng cũng chính văn hóa này đã làm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ, trở thành các tập đoàn hàng đầu thế giới: Samsung, Hyundai, Kia, LG….

Điều này có sự khác biệt với văn hóa “dĩ hòa vi quý” của Việt Nam. Vào khoảng những năm 1999, khi Hàn Quốc đặt các nhà máy sản xuất giày tại Việt Nam để sử dụng nguồn lạo động phổ thông giá rẻ tại nước ta, với văn hóa trừng phạt nghiêm khắc, các chủ doanh nghiệp Hàn Quốc đã áp dụng những biện pháp trừng phạt nặng nề đối với công nhân Việt Nam, gây ra những bức xúc trong dư luận vào thời điểm đó. Hiện nay chính sách đối với người lao động của các tập đoàn Hàn Quốc tại Việt Nam đã có phần mềm mỏng hơn, thích ứng hơn với nền văn hóa của người Việt, tuy nhiên vẫn còn bị đánh giá là nghiêm khắc.

Nhìn lại bài học về sức ảnh hưởng của văn hóa, tinh thần dân tộc Hàn Quốc đến sự thành công của các tập đoàn đa quốc gia Hàn Quốc nói riêng và nền kinh tế Hàn Quốc nói chung, Ths. Lê Quốc Thái cho rằng mỗi quốc gia có đặc trưng về tính cách dân tộc riêng biệt, hình thành nên văn hóa doanh nghiệp. Trong môi trường hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, càng nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài đầu tư sản xuất, mở rộng thị trường, tìm kiếm nguồn nhân lực có trình độ cao tại Việt Nam. Mấu chốt là người lao động, cụ thể là các học viên khóa K.12 cần tìm hiểu về văn hóa đặc trưng của từng quốc gia, từng doanh nghiệp để có thể thích nghi văn hóa, phát triển bản thân đáp ứng văn hóa doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp học viên thăng tiến lên những vị trí quan trọng không thể thay thế trong doanh nghiệp mà còn có ích lợi cho cá nhân học viên khi theo đuổi con đường kinh doanh riêng.

Cuối buổi nói chuyện, Ths. Lê Quốc Thái cũng bày tỏ sự lạc quan đối với thế hệ trẻ Việt Nam. Qua kinh nghiệm giảng dạy tại nhiều trường đại học, ông cho biết sinh viên Việt Nam hiện nay không hề thua kém sinh viên nước ngoài về sự chủ động, tự tin, kiến thức và tầm vóc ngoại hình. Ông hi vọng từ những kiến thức tiếp thu từ chương trình giảng dạy của đại học Andrews, mỗi cá nhân học viên lớp…., khóa K.12 đặt ra được những định hướng, mục tiêu, hoạch định cuộc đời và sự nghiệp. Vì sự thành công của mỗi cá nhân lại góp phần mang đến thành công, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới.

——

ALUMNI ANDREWS VIỆT NAM

🎓MBA – Đại học Andrews

📍https://alumni.andrews.edu.vn/

alumni@andrews.edu.vn


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *